Thursday, May 9, 2013

Vấn Đề Trùng Tu "Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa"

Khoảng giữa tháng 3, 2013 đồng bào Việt hải ngoại nghe được tin tức về việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (NTQĐBH) ở Việt Nam, việc di dời nấm mộ tập thể của khoảng 200 tử sĩ VNCH từ bên ngoài vào trong Nghĩa Trang Nhân Dân Huyện Dĩ An (NTNDHDA), việc chỉnh trang khu vực bên trong nghĩa trang, sửa sang các ngôi mộ hoang phế… Người phụ trách công việc đặc biệt này là ông Nguyễn Đạc Thành (NĐT).  Ông Thành cho biết ông thực hiện việc này vì lý do nhân đạo, vì tình chiến hữu đối với các đồng đội cũ của ông… Tháng 3, 2013, một số hình ảnh được phổ biến trên internet: hình ông Thành thắp nhang ở đài tưởng niệm của nghĩa trang cùng thứ trưởng VC Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Ủy Ban phụ trách Người Việt ở nước ngoài, cũng là người chịu trách nhiệm thực thi Nghị Quyết 36 tại hải ngoại; hình ông Thành thắp nhang cùng ông Lê Thành Ân, tổng lãnh sự Hoa kỳ tại Saigon.  Vậy là tin tức “Việt Cộng trùng tu NTQĐBH” (?) trở thành 1 đề tài khiến rất nhiều người quan tâm.  Tôi xin có một số ý kiến về vấn đề này như sau:
1-Ông Nguyễn Đạc Thành là ai?
Ông Nguyễn Đạc Thành là 1 cựu thiếu tá thiết giáp của QLVNCH, cũng là 1 cưụ tù nhân chính trị sang Mỹ theo chương trình HO, và hiện là 1 cư dân của thành phố Houston, tiểu bang Texas.  Qua các tin tức phổ biến trên truyền thanh (BBC), truyền hình (SBTN), hay báo chí ( Người Việt , Nam California )…, chúng ta được biết ông Thành là người điều hành tổ chức Vietnamese American Foundation (VAF) do ông thành lập.  Trước đây, tổ chức này phát động chương trình The Returning Casualty (TRC), tức là “Đưa Người Tử Sĩ Trở Về”, còn được biết dưới tên là “Bông Hồng Trên Nấm Mộ Hoang”.  Chương trình này được sự yểm trợ tinh thần, tài chánh của một số đồng hương, của một số anh  em cựu quân nhân, và đã thực hiện được việc di dời hài cốt của một số tù nhân chết trong trại cải tạo.  Theo ông phó chủ tịch VAF (2012) tại Làng Đá, tỉnh Yên Bái, TRC đã thực hiện được việc di dời 20 ngôi mộ.  Sau đó, Hội dự tính di dời một số mộ tại tỉnh Phú Yên, nhưng sau 3 lần liên tiếp bị trì hoãn vẫn không xin được phép của nhà cầm quyền nên công việc không thành.  Cuối cùng, vị  phó chủ tịch của VAF đã quyết định rút lui khỏi chức vụ này.  Tại thời điểm này (2012), những người biết chuyện vẫn tin rằng ông NĐT là người có thiện chí, và ông làm những việc di dời, bốc mộ tù nhân cải tạo, hay mộ của tử sĩ VNCH vì lý do nhân đạo, vì tình chiến hữu… Sau khi ông phó chủ tịch và một số thành viên  rút khỏi VAF, chúng tôi được biết một số bạn trẻ trong nước, tự nhận là thân nhân của tử sĩ VNCH(?) đã cùng ông Thành điều hành VAF.
2- Công việc “di dời mộ tử sĩ VNCH” của ông NĐT năm 2013:
Ngày 21 tháng 3, 2013,  VAF ra thông báo về việc bốc dỡ hài cốt trong 1 ngôi mộ tập thể ở bên ngoài (?) vào trong khuôn viên Nghĩa Trang Nhân Dân Huyện Dĩ An.  Ông Thành cho biết “Ngày 1 tháng 3, 2013, Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn thông báo rằng: lời yêu cầu của VAF xin bốc dỡ và di chuyển hài cốt trong ngôi mộ tập thể của khoảng 200 tử sĩ VNCH vào Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đã được chấp thuận…. Đây là những chiến sĩ đã hy sinh khi phòng thủ Saigon trong khoảng thời gian trước và trong ngày 30/4/1975.  Những thi hài này trước khi chôn cất, được bỏ trong bọc nylon, nên dự đoán có thẻ bài căn cước kèm theo.  Theo lời Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn, việc bốc dỡ và di dời tùy theo quyết định của VAF…”  Ông Thành xin ý kiến đồng hương và cựu quân nhân QLVNCH về việc bốc dỡ: nên hay không nên (lý do nên, lý do không nên).  Hội VAF chỉ thu nhận ý kiến đóng góp trong thời hạn 60 ngày, rồi sẽ ra quyết định cuối cùng.  Nếu có quyết định bốc dỡ, VAF “kêu gọi đồng bào cùng các chiến hữu bảo trợ công việc này”.
3- Ý kiến của đồng hương Việt hải ngoại về việc bốc dỡ ngôi mộ tập thể nói trên:
Một số tán thành công việc này, cho đây là một việc đáng làm, giúp tử sĩ VNCH được “an nghỉ trong nghĩa trang”, tức là được “về nhà của họ, khỏi phải vất vưởng ở ngoài nghĩa trang, trong khu vực của Trường Cao Đẳng Nghề Đồng An, nơi không phải nhà của họ…” Có người viết bài ca tụng việc làm của ông Thành là “đầy nhân đạo, đầy tình chiến hữu, nặng đạo lý con người”…
Rất đông đồng hương Việt, kể cả giới dân sự và cựu quân nhân đã lên tiếng phản đối việc làm này của ông Thành trên các diễn đàn điện tử.  Chúng ta thử tìm hiểu tại sao việc làm mà ông Thành cho là “nhân đạo”, cũng được một số người tán thành là “nhân đạo” lại bị nhiều người phản đối như vậy? 
4- Các việc làm của ông NĐT có nhiều điểm không minh bạch nên gây sự nghi ngờ của đồng hương Việt tại hải ngoại:
Thứ nhất: Cách đây nhiều năm, ông NĐT đã đứng ra thành lập 1 tổ chức cho các cựu tù nhân chính trị mang tên là Tổng Hội HO, nhưng không được hưởng ứng.  Trong thời gian này, tại hải ngoại đã có Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (THCTNCTVN), hoạt động cùng với nhiều thành viên là các khu hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại các tiểu bang của Hoa Kỳ, và Canada.  Đồng bào hải ngoại không rõ đường lối hoạt động của Tổng Hội HO này, không rõ hội này có thể hiện lập trường quốc gia, giữ lằn ranh Quốc-Cộng như THCTNCTVN hay không.  Việc lập thêm 1 Tổng Hội HO như vậy không thể hiện tình đoàn kết giữa các chiến hữu đã cùng nhau chiến đấu, và cùng chung số phận bị CS đầy đọa nhiều năm trong các trại tù. 
Thứ hai: Một thời gian sau, ông Thành đã lập hội VAF để thực hiện chương trình “Bông Hồng Trên Nấm Mộ Hoang”.  Ông là 1 cư dân tại Mỹ, muốn thực hiện 1 chương trình có tầm vóc to lớn liên quan đến các tử sĩ VNCH, liên quan đến nhiều gia đình có thân nhân là tử sĩ VNCH, có thân nhân là tù cải tạo chết trong các trại tù CS, có thể với hy vọng sẽ được chính quyền Mỹ yểm trợ. Thế mà ông không tham khảo rộng rãi ý kiến của đồng hương tại Mỹ, và cũng không tổ chức gây quỹ tại Mỹ.  Trái lại, ông Thành cho thực hiện 3 buổi gây quỹ ở Úc (năm 2010).
Thứ ba:  Sau việc gây quỹ bốc mộ được tổ chức tại Brisbane, Melbourne (Úc) vào tháng 6, 2010, tổ chức cựu quân nhân Queensland mời ông Thành đến để trả lời một số thắc mắc liên quan đến việc bốc  mộ  tử  sĩ  VNCH thì ông đã không đến dự như ông đã hứa.
Thứ tư: Trong Thông Báo ngày 21-3-2013, ông cho đồng hương biết ông sẽ tiến hành việc di dời ngôi mộ tập thể cạnh nghĩa trang vào trong khuôn viên “Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” (?).  Ở đây chúng ta cần phải xác định rõ một điều: Nghĩa Trang Nhân Dân Huyện Dĩ An (NTNDHDA) hiện nay là của CSVN; còn Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (NTQĐBH) ngày xưa là của chính quyền VNCH.  Hiện nay, NTNDHDA chỉ gồm 1 phần đất của NTQĐBH ngày xưa; còn NTQĐBH thì bao gồm cả NTNDHDA, và khuôn viên của Trường Cao Đẳng Nghề Đồng An (TCĐNĐA) hiện tại.  Nói rõ hơn, ngôi mộ tập thể của 200 tử sĩ VNCH hiện đang nằm trong khuôn viên của TCĐNĐA vốn dĩ nằm trong phần đất của NTQĐBH ngày xưa.  Nay ông Thành muốn di dời 200 ngôi mộ này vào trong khuôn viên của NTNDHDA của CS thì có khác gì giúp nhà cầm quyền CS hoàn tất việc cướp đất của NTQĐBH một cách “danh chánh ngôn thuận” (theo lời yêu cầu của thân nhân tử sĩ mà!)
Thứ năm: Về ngôi mộ tập thể của 200 tử sĩ VNCH cạnh khu nghĩa trang, ông Thành cho biết đó là nơi chôn cất “những chiến sĩ đã hy sinh khi phòng thủ Saigon trong khoảng thời gian trước và trong ngày 30/4/1975”.  Ngày 30/4/1975, Saigon đang trong cơn hỗn loạn.  Mọi người đang lo chạy giặc Cộng tràn về thủ đô, ai có thì giờ đi thu gom xác tử sĩ VNCH khắp nơi trong Saigon để đem về chôn tại cạnh nghĩa trang?!  Tôi nghĩ đây phải là di hài của các tử sĩ từ các mặt trận đã được đem về nghĩa trang trước đó.  Việc hậu sự cho các tử sĩ chưa được hoàn tất thì Saigon thất thủ nên có thể các di hài này đã bị VC chôn  chung trong một nấm mồ tập thể tại NTQĐBH.   Ngày 30-4-1975, đạo quân xâm lược miền Bắc đã giật đổ pho tượng Thương Tiếc tại cổng Nghĩa Trang, và kể từ đó chúng quản lý rất nghiêm ngặt toàn thể khu nghĩa trang.  Một thời gian sau, một phần đất nghĩa trang được chuyển thành khu vực của Trường Cao Đẳng Nghề Đồng An, một bức tường ngăn cách nghĩa trang và trường dạy nghề được xây lên, và ngôi mộ tập thể của 200 tử sĩ VNCH trước nằm trong khu đất của nghĩa trang, nay thành ra nằm bên ngoài nghĩa trang.  Vậy CSVN chính là thủ phạm “xâm phạm nơi an nghỉ của tử sĩ VNCH”.  Nay ông Thành lại hô hào đồng bào hải ngoại góp tiền cho ông làm việc “nhân đạo” là đưa “tử sĩ VNCH về nhà của họ”, trong Nghĩa Trang Nhân Dân Huyện Dĩ An (!)    
Thứ sáu: Cũng trong Thông Báo của VAF ngày 21-3-2013, ông Thành cho biết “Ngôi mộ tập thể này đã được Ban Giám Đốc Trường Cao Đẳng Nghề Đồng An tu bổ, chăm sóc, và trân trọng đèn nhang hàng ngày.  Mỗi tháng đều có lễ vật cúng kiến vào ngày mùng HAI và 16 âm lịch”.  Nay theo kế hoạch của ông Thành, khi được di dời vào trong khu vực nghĩa trang, dưới sự quản lý chặt chẽ của CS, các ngôi mộ này sẽ được ai chăm sóc, đèn nhang hàng ngày?  Như vậy việc di chuyển từ ngoài khu nghĩa trang vào trong khuôn viên nghĩa trang là tốt hơn, hay tệ hơn?  Một người bạn ở cùng tiểu bang với tôi, cũng là một cựu tù nhân chính trị, kể cho tôi nghe chuyện anh đến thăm khu nghĩa trang Biên Hòa năm 2011, mục đích chỉ là thắp nhang cho chiến hữu ngày xưa.  Khi anh đến, người canh gác nghĩa trang chặn anh lại hỏi “ anh là ai, ở đâu đến, đến nghĩa trang làm gì, thăm ai, người chết tên gì, cấp bậc gì, đơn vị nào…” Tóm lại, VC kiểm soát việc ra vào nghĩa trang rất nghiêm ngặt, không phải ai cũng có thể ra vào thăm viếng mộ tử sĩ dễ dàng.  Chỉ một việc đơn giản là viếng mộ người chết, thắp nhang trước mộ phần họ còn bị VC gây khó dễ.  Nay một việc trọng đại như bốc dỡ và di dời mộ của 200 tử sĩ VNCH do ông Thành dự định thực hiện lại được VC ưu ái, dành cho mọi sự dễ dàng (trích Thông Báo VAF: việc bốc dỡ và di dời tùy theo quyết định của VAF), làm sao mọi người không đặt một dấu hỏi.
Trong thời gian VC còn giam tù các quân, dân, cán, chính VNCH, rất nhiều anh em bị thiệt mạng tại các trại tù miền Bắc, và đã bị chôn vùi dập ở khu vực quanh trại.  Nếu gia đình biết tin, tìm đến trại, sẽ được yêu cầu làm đơn xin phép Bộ Nội Vụ, và có thể tiến hành việc bốc mộ thân nhân.   Chương trình TRC tuyên bố đã tìm được 240 ngôi mộ, và giúp khoảng 50 gia đình di dời hài cốt của thân nhân chết trong các trại tù.  Không rõ 240 ngôi mộ nêu trên có thân nhân đến nhận không; và trường hợp nếu không tìm được thân nhân thì TRC có kế hoạch đưa họ về nhà không, và sẽ đưa về đâu?
Thứ bảy:   Về việc di dời ngôi mộ của 200 tử sĩ VNCH, ông Thành cho biết sẽ lấy ý kiến của đồng bào và cựu quân nhân QLVNCH trong vòng 60 ngày kể từ ngày ra Thông Báo (21-3-2013).  Sau đó, hội VAF của ông sẽ “thông báo đến đồng bào quyết định cuối cùng”.  Ông lấy tư cách gì để quyết định về việc di dời ngôi mộ tập thể nói trên?  Ông Thành không phải là người quản lý có thẩm quyền của 200 di hài này; ông cũng chẳng là thân nhân của bất cứ tử sĩ nào nằm trong nấm mộ trên; ông cũng chẳng phải là người có trách nhiệm đối với các tử sĩ  của QLVNCH (quốc gia VNCH đã không còn nữa).  Vậy rõ ràng ông đang nhận công tác “hợp thức hóa” việc dời ngôi mộ tập thể của 200 tử sĩ VNCH từ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa của VNCH vào Nghĩa Trang Nhân Dân Huyện Dĩ An của CSVN.  Chính ông thú nhận “chính phủ Việt Nam không cho phép thì không thể làm được bất cứ điều gì”.  Đồng bào hải ngoại nghĩ thế nào về việc làm thiếu trong sáng này, một việc làm đã được CS mưu tính, và sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho người Việt Tỵ Nạn CS chúng ta tại hải ngoại.
Thứ tám:  Ông Thành kêu gọi người Việt hải ngoại tiếp tay với ông trong việc “trùng tu  Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” (?).  Chúng ta nên tự đặt câu hỏi “Hiện nay “ai là chủ của khu đất này?”  “Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” là tài sản của quốc gia VNCH.  Công dân của VNCH chỉ có trách nhiệm, và có thể tu bổ 1 thứ là tài sản của VNCH, chứ không có trách nhiệm và cũng không có quyền tu bổ 1 thứ không phải là tài sản của mình. Lấy 1 thí dụ đơn giản  như sau: bạn có thể tu bổ nhà cửa, vườn tược của bạn, chứ bạn có quyền tu bổ nhà cửa hay vườn của ông hàng xóm hay không?  Ông hàng xóm nào của bạn mà lại tử tế (hay ngu xuẩn) đến độ cho phép bạn “tùy ý tu bổ, sửa sang” nhà của ông ấy như vậy?  Vì thế công việc mà ông Thành muốn thực hiện không “chính danh”, và vì không chính danh nên lời tuyên bố của ông “không thuận” tai người nghe.
Thứ chín:  Ông Thành nghĩ việc di dời ngôi mộ tập thể của 200 tử sĩ VNCH vào khuôn viên nghĩa trang là “bảo vệ” di cốt của các chiến hữu.  Điều này có chắc không?  Chúng ta đã chứng kiến biết bao vụ “quy hoạch” đất đai dưới chế độ CS, thực chất là chiếm nhà, chiếm đất, chiếm ruộng vườn của người dân.  Nạn nhân không chỉ là những “ngụy quân, ngụy dân”, mà còn là “gia đình có công với cách mạng, là bộ đội, là mẹ chiến sĩ”… Cả ngàn người trở thành dân oan phải nhọc nhằn đi khiếu kiện nhiều năm với quốc hội CSVN, với chính quyền trung ương về các chiếm dụng đất đai bất hợp lệ của các cán bộ địa phương.  “Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” của chúng ta nay đã được cải danh thành “Nghĩa Trang Nhân Dân Huyện Dĩ An”, tức tài sản của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chịu sự quản lý của nhà nước CSVN.  Ai cấm VC, một ngày xấu trời nào đó, chúng quy hoạch lại khu đất này, bán cho 1 công ty nào đó (vì nhu cầu phát triển của địa phương chẳng hạn)?  Đồng bào hải ngoại sẽ có trở thành “Việt Kiều oan” phải đi khiếu kiện với nhà nước CS để chống việc di dời nghĩa trang không? 
5- Việc làm của ông NĐT gây ra những hệ lụy nào cho cộng đồng người Việt Tỵ Nạn CS tại hải ngoại:
Thứ nhất: Khi muốn thực hiện việc di dời ngôi mộ tập thể của 200 tử sĩ VNCH, ông phải “được sự cho phép của VC”.  Tất nhiên ông phải đi đi, về về, họp hành với chúng nhiều lần, phải chờ đợi chúng xem xét, cân nhắc, quyết định… Một cựu thành viên của VAF cho biết việc bốc dỡ 200 ngôi mộ này mới đầu được cấp phép, nhưng chỉ vài ngày sau lại có quyết định hủy bỏ giấy phép; nay lại thấy ông Thành thông báo là thứ trưởng VC Nguyễn Thanh Sơn đã đồng ý cho VAF làm (?).  Các cựu quân nhân QLVNCH rất phẫn- nộ khi sự việc này được bạch hóa.  Họ cho việc phải “xin phép” kẻ thù CSVN để “được di dời mộ phần các chiến hữu, đồng đội của họ tại quê nhà” là một việc làm xúc phạm đến danh dự của người chiến sĩ QLVNCH.  Người chiến sĩ VNCH “vì dân mà chiến đấu”, và  chấp nhận “vì nước mà hy sinh”.  6 chữ Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm, họ luôn khắc cốt ghi tâm.  Họ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ “tổ quốc” VNCH, hoàn thành “trách nhiệm” của 1 người lính, bảo toàn “danh dự” của người chiến sĩ, của người công dân lúc quốc gia gặp nguy biến.  Vậy mà 38 năm sau, đồng đội của họ tính “đi đêm” với kẻ thù, lạy lục kẻ thù chỉ để xin “một nơi an nghỉ” cho nắm xương tàn của họ hay sao?  Chúng ta hẳn không quên các chiến sĩ ngày xưa ngoài chiến trường còn chấp nhận “da ngựa bọc thây”, người chiến sĩ ra đi là chấp nhận “không có ngày trở về”.  Các chiến sĩ của QLVNCH, vì lý tưởng bảo quốc, an dân, đã hy sinh trên khắp 4 vùng chiến thuật; thân xác họ đã hòa lẫn trong lòng đất mẹ.   Họ cần chi một nấm mồ đẹp đẽ (?) trong khu nghĩa trang do kẻ thù quản lý.  Cải táng cho họ trong hoàn cảnh này chỉ làm tủi hổ thêm cho vong linh người quá cố, và làm nhục các đồng đội của họ đang sống đời lưu vong khắp nơi trên thế giới. 
Chúng ta có thể tiếp tay cho việc làm này của ông NĐT và hội VAF hay không?  Ông cựu đại tá Vũ Văn Lộc (nhà văn Giao Chỉ) trong 1 bài có viết đại ý “chúng ta đang được phát biểu ý kiến, chỉ có người chết thì không nói được (nên không biết họ muốn gì)?!  Lý luận của ông thiếu tính thuyết phục.  Ông và họ cùng chiến đấu nhiều năm chống cùng một kẻ thù, cùng chung 1 lý tưởng; chẳng lẽ ông không biết họ ước muốn điều gì hay sao?  Họ sống, chiến đấu cho lý tưởng tự do của miền Nam VN, ngã xuống trước họng súng của kẻ thù CS, và hy sinh cho lý tưởng của họ.  Là người hiểu biết nhiều về lịch sử NTQĐBH, lẽ ra ông phải tìm cách “bảo vệ” danh dự cho họ, cố vấn cho đàn em làm những chuyện hợp lý, chứ có đâu lại tiếp tay với đàn em làm những chuyện sai trái như hiện nay.  
Thứ hai: Chúng ta thừa biết VC chẳng bao giờ xóa bỏ mối hận đối với kẻ thù đã từng chiến đấu chống lại chúng.  Nay ông NĐT, một cựu tù nhân chính trị đang sống tại hải ngoại, một cựu sĩ quan cấp tá của QLVNCH, một Tổng Hội Trưởng Tổng Hội HO tại Mỹ, chủ tịch Hội VAF… lại “nhũn nhặn” bắt tay làm việc với  kẻ thù đang thi hành Nghị Quyết 36, cùng xuất hiện với chúng tại nhiều nơi.  Còn hình ảnh nào tốt hơn về việc “hòa hợp, hòa giải” giữa 2 kẻ cựu thù?  Còn cách nào tốt hơn để dẹp sự chống đối của các cộng đồng người Việt tại hải ngoại?   
Chúng ta nên suy nghĩ sâu xa hơn một chút để thấy việc hòa hợp, hòa giải này chỉ là giả tạo.  Có bao giờ VC thực tâm hòa giải với dân chúng miền Nam hay chưa?  Sau 30-4-1975, người sống thì bị chúng đầy ải cho chết tại các vùng kinh tế mới, tại các trại tù tập trung cải tạo; thương bệnh binh VNCH bị đuổi ra khỏi các quân y viện, tử sĩ miền Nam bị đào mồ, xới mả (biết bao nhiêu nghĩa trang quân đội ở miền Nam đã bị san thành bình địa để chúng lấy đất xây nhà máy, nhà ở…), thậm chí đồng bào vượt biên bị chết trên biển cả được những người sống sót xây tấm bia tưởng niệm tại các đảo ở Mã Lai, Nam Dương cũng bị chúng vận động chính quyền địa phương đục phá…  Nay bảo chúng ta tin ở chủ trương hòa giải dân tộc của VC ư?   Không hề có chuyện VC thực tâm hòa giải với nhân dân miền Nam .   
Ngày 17-2-2013, một số người dân Hà Nội muốn đến đặt vòng hoa tưởng niệm các người lính của quân đội VC chết trong cuộc chiến tranh biên giới với Tàu năm 1979 cũng bị nhà cầm quyền cấm cản.  Đến tháng 3, 2013, thứ trưởng VC Nguyễn Thanh Sơn lại cùng 1 cựu thiếu tá VNCH đến thắp nhang tại đài tưởng niệm tử sĩ VNCH!  Hai hình ảnh tương phản, và nói lên rất nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về thiện chí “hòa giải” của VC đối với cựu thù của chúng.
Thứ ba: Một trong các phương cách VC “bình định” các cộng đồng Việt hải ngoại là gây chia rẽ, xào xáo, đánh phá lẫn nhau trong cùng cộng đồng, hay thậm chí trong cùng một tổ chức.  Nơi nào tổ chức cộng đồng có lập trường quốc gia rõ rệt, chúng sẽ hỗ trợ việc lập ra 1 tổ chức cộng đồng không có thái độ chính trị rõ ràng, chỉ chú trọng đến công tác xã hội, văn hóa, giáo dục…hay thậm chí còn chịu làm những việc có lợi cho chúng nữa.  Đoàn thể nào chống cộng quyết liệt, chúng tìm cách lập ra một đoàn thể khác mà chúng có thể lợi dụng được… Việc tạo mầm mống chia rẽ trong khối người Việt quốc gia chống cộng này quả đã làm suy yếu lực lượng của chúng ta không ít trong nhiều năm qua.  Sự kiện ông NĐT bắt tay với VC trong dự án “trùng tu NTQĐBH” (?) đang làm cộng đồng xào xáo, người bênh, kẻ chống, cùng là người tỵ nạn CS nay chỉ trích, kết án lẫn nhau… Kẻ thủ lợi trong việc này chính là kẻ thù của chúng ta, CSVN. 
Thứ tư:  Tuy CSVN đang nắm trọn quyền hành trong nước, chúng gặp không ít khó khăn trong việc đối phó với các nhà tranh đấu đòi hỏi dân chủ và nhân quyền trong nước.  Những chiến sĩ dân chủ này rất cần sự hỗ trợ của người Việt hải ngoại, về vật chất cũng như về tinh thần.  Nay họ nhìn thấy chúng ta bỏ công sức, tiền bạc đóng góp cho 1 công trình do VC đạo diễn, thử hỏi họ có còn tin vào sự tranh đấu dân chủ hóa nước nhà, vào nỗ lực quang phục quê hương của chúng ta hay không?  Cộng tác với VC để làm công việc gọi là “trùng tu NTQĐBH” (?) vào thời điểm này là một bước lùi lớn về mặt sách lược đối phó với kẻ thù chung của dân tộc, làm nản lòng các lực lượng tranh đấu cho dân chủ trong nước.  Cái lợi nhỏ tức thời chúng ta thấy trước mắt không thể bù đắp được những tai hại lớn lâu dài mà công việc này sẽ gây ra.
Thứ năm:  Tuy bị bắt buộc buông súng sau ngày 30-4-1975, bị kẻ thù hỗn láo gọi là “kẻ thua cuộc”, các chiến sĩ VNCH vẫn không đầu hàng kẻ thù CS.  Họ tiếp tục tranh đấu  trên nhiều mặt trận khác: chính trị, văn hóa, giáo dục, văn nghệ, xã hội, truyền thông… Họ còn phải tranh đấu chống kẻ nội thù ngay trong cộng đồng, thậm chí ngay trong tổ chức đoàn thể của mình, những kẻ nhiều khi mang danh nghĩa đồng hương, chiến hữu, nhưng không ngại phản bội chúng ta.  Cuộc chiến còn tiếp diễn thì chúng ta không thể hành xử như khi cuộc chiến đã thực sự chấm dứt (cựu thù có thể bắt tay cùng nhau hàn gắn những vết thương chiến tranh, bên thắng vực người thua đứng dậy trong tình đồng hương hay đồng loại).  Cuộc chiến còn tiếp diễn thì chúng ta dứt khoát không thể tiếp tay nuôi dưỡng kẻ thù, không thể giúp chúng xóa bỏ tội ác với đồng bào, không thể giúp chúng khoác bộ áo nhân đạo, mang bộ mặt nhân nghĩa giả dối…
Thứ sáu:  Việc các chiến sĩ trong quân đội VNCH hy sinh để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nếp sống tự do, dân chủ cho nhân dân miền Nam là một hy sinh tối thượng.  Chúng ta thương yêu, kính trọng họ, và tổ quốc VNCH ghi ơn họ. Họ đã hy sinh thân mạng, gia đình họ phải chịu thiệt thòi để cho bản thân chúng ta và con cháu chúng ta được sống còn sau cuộc chiến, và có cơ hội xây dựng cuộc sống mới tại các nước tự do.  Tình cảm của chúng ta đối với họ hẳn là chân thật, đáng tin hơn tình cảm của VC đối với kẻ thù chống lại chúng, tình cảm của “mèo khóc chuột” đầy giả dối.  Chúng ta không phải là những kẻ vô nhân đạo, thiếu lương tâm  khi chống đối việc làm của ông NĐT và hội VAF của ông ta trong dự án bốc mộ tử sĩ VNCH vào khu nghĩa trang của VC, Nghĩa Trang Nhân Dân Huyện Dĩ An!   
Kết luận, chúng ta không thể tin tưởng CSVN trong bất cứ điều gì chúng làm, vì không bao giờ chúng làm mà không có tính toán, không có ý trục lợi.  Cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng nhắc nhở chúng ta: “Đừng tin những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”.  CSVN là một tên đại bịp, chúng đánh lừa tất cả mọi người, những người dám tranh đấu chống lại chúng, thậm chí chúng lừa cả nhân dân, và đồng chí của chúng nữa.  Chủ nghĩa Mác-Lê dạy người CS “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, nên phương tiện nào đối với CS cũng đều tốt miễn giúp họ đạt mục đích.  Phương cách hành động của CS có thể thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng mục tiêu của họ thì không.  Là nạn nhân của CS trong nhiều thập kỷ, bị CS lừa bịp nhiều phen, chúng ta cần hết sức thận trọng.
Việc hậu sự cho tử sĩ VNCH, lo cho họ được mồ yên, mả đẹp có nơi an nghỉ bình yên là “trách nhiệm nặng nề” của chúng ta đối với họ, chứ không phải là một việc làm “nhân đạo”, một công tác “từ thiện”.  Trách nhiệm này chúng ta chưa thực hiện được vào thời điểm này, vì kẻ thù còn thống trị đất nước, di hài của tử sĩ VNCH còn nằm trong tay giặc, và chúng ta vẫn còn đang sống đời lưu vong khắp nơi trên thế giới.  Chúng ta sẽ hoàn thành trách nhiệm này đối với đồng đội, chiến hữu của chúng ta khi hoàn cảnh thuận lợi hơn, khi mọi việc được “danh chánh”, và nhất là  khi “danh dự” người tử sĩ VNCH không bị lợi dụng cho mưu đồ bất chánh của kẻ thù CS.
 
Nguyễn Quốc Đống
Cựu SVSQ K.13, TVBQGVN
Ngày 2 tháng 4, 2013

Monday, May 6, 2013

Phóng tuyến đường xuyên qua Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

 
Ai nói đúng?? Ai nói sai ??

*************

Khoảng lặng nơi Nghĩa trang Nhân dân Bình An

(TNO) - Sau 38 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc, chúng tôi đến nghĩa trang Nhân dân Bình An ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương hay còn được biết đến với tên gọi nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam Cộng hòa. Gần hai vạn ngôi mộ, chỉ một số là có người thân thăm viếng.

Một buổi sáng tháng 4.2013, theo xa lộ Hà Nội chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Ngã ba đường vào nghĩa trang mang tên: Thống Nhất - 30 Tháng 4 như gợi lên một bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Nghĩa trang rộng khoảng 25 ha, ít người viếng nên càng trở nên mênh mông.

“Đoàn tụ”
Tại khu I, mộ phần trung sĩ Trần Văn Tám vừa được xây mới. Đây là khu đất dành cho những quân nhân tử trận năm 1970. Khi đó, chị Trần Hồng Nga (ngụ Q.4, TP.HCM) chỉ mới 3 tuổi. Hình ảnh về người cha đã mất của chị chỉ còn loáng thoáng trong ký ức; lúc đó chị còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi đau mất cha.
Nghe mẹ kể lại, khi cha mất được vài ngày thì gia đình mới nhận được giấy báo tử. Rồi chiến tranh, loạn lạc, cả nhà chỉ còn biết cách lập bàn thờ, thắp nén nhang cúng giỗ ông hằng năm mà không ai biết được thân xác ông nằm đâu.
Khoảng lặng nơi nghĩa trang Bình An 1
Chị Trần Hồng Nga bên mộ phần của người cha Trần Văn Tám sau nhiều năm thất lạc
Cậu chị Nga, cũng là một quân nhân, khi tử trận thì được thông báo chôn cất tại nghĩa trang này. Hằng năm, thỉnh thoảng chị cùng gia đình người cậu vẫn lên đây tảo mộ. Một điều chị không ngờ đến đó là mộ phần của cha chị cũng đang nằm đây, cách ngôi mộ người cậu không xa. Thời gian đằng đẵng trôi để rồi trước Tết Quý Tỵ 2013, một cách tình cờ, chị gặp ông Đỗ Ngọc Ẩn (hay còn gọi là chú Út, 73 tuổi), người coi sóc mộ phần trong nghĩa trang.
Chú Út từng là một người lính thuộc Tiểu đoàn 6, Thủy quân lục chiến (VNCH) đóng tại rừng Sác, Cần Giờ. Khi đất nước thống nhất, khoảng năm 1977-1978 về nhà không việc gì làm, chú Út “bén duyên” với nghĩa trang này. Ông dọn dẹp mộ phần, hương khói, rồi hướng dẫn thân nhân tìm kiếm. Công việc gắn với ông suốt từ đó đến nay. 
 

Nhiều người không biết đến nghĩa trang này đâu chú ơi. Ai cũng nghĩ đã bị giải tỏa hoặc chuyển đến nơi nào rồi. Gia đình tôi là số ít tìm được mộ người thân của mình. Mọi chuyện đã qua rồi, tất cả đã nằm xuống, các chú có viết báo thì viết cụ thể rõ ràng để người thân họ biết mà tìm đến
Chị Trần Hồng Nga


Trong cuộc gặp gỡ tình cờ, chị Nga đã nói tên tuổi, năm mất của cha mình cho chú Út để ông tìm giúp. Thông thạo, quen thuộc đường đi nước bước tại đây, mỗi ngày chú Út ra dò tìm từng hàng mộ nhỏ để rồi trước Tết, ông có tin cho chị Nga. Sau bao năm, chị Nga cảm thấy an ủi phần nào khi làm tròn chữ hiếu. Hôm đó, cả nhà sau khi hỏi han kỹ ban quản trang về chuyện có giải tỏa, di dời gì hay không, đã quyết định lập mộ, dựng bia.
Hôm chúng tôi đến, vợ chồng chị Nga cùng hai đứa con gái đang đứng bên mộ phần khang trang của cha mình. Đó là ngày đầu tiên gia đình chị lên nhận bàn giao ngôi mộ mới. Tròn 43 năm ngày trung sĩ Trần Văn Tám tử trận, gia đình ông đã được “đoàn tụ”. Không chỉ thắp nhang cúng lễ cho cha, chị Nga còn phân công các con thắp nhang, đặt lễ vật lên những phần bia mộ không người viếng xung quanh.
“Nhiều người không biết đến nghĩa trang này đâu chú ơi. Ai cũng nghĩ đã bị giải tỏa hoặc chuyển đến nơi nào rồi. Gia đình tôi là số ít tìm được mộ người thân. Mọi chuyện đã qua rồi, tất cả đã nằm xuống, các chú có viết báo thì viết cụ thể rõ ràng để người thân họ biết mà tìm đến”, chị Nga nhắn nhủ.
Đã bớt hoang vắng
Hôm đó, ngoài gia đình chị Nga, người vui nhất có lẽ là chị Phan Kim Liên (51 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Là hàng xóm và nghe chị Nga chỉ dẫn, chị Liên cũng nhờ chú Út tìm mộ. Chính hôm đó, chú Út đã dẫn chị Liên đến đúng mộ phần của người anh hai tên Phan Văn Thành (tử trận ngày 24.4.1973).
Mộ phần ông Thành hoang tàn, tấm bia phai mờ theo thời gian, chỉ còn lại vài dòng tên tuổi, ngày tháng mất và tên thánh. So sánh từng cái đều trùng khớp, chị Liên rưng rưng gọi điện về báo tin cho gia đình.
Khoảng lặng nơi nghĩa trang Bình An 2
Ông Đỗ Ngọc Ẩn (chú Út) nói rằng: “người đã nằm xuống thì không còn
phân biệt bên này bên kia”

Khoảng lặng nơi nghĩa trang Bình An 3

Khoảng lặng nơi nghĩa trang Bình An 4
Một góc Nghĩa trang Nhân dân Bình An
Ở phía xa, một gia đình từ Nha Trang đang bốc mộ người thân đưa về quê. “Nhiều người ở Quảng Trị vào đây bốc mộ đem về quê. Ở xa quá, nếu không cải táng thì phải 10-15 năm họ mới có dịp vào đây thăm viếng cha chú họ”, chú Út kể. Ngoài chị Liên, chị Nga cũng đã giới thiệu và giúp cho nhiều gia đình cùng xóm với mình biết đến nghĩa trang này và tìm được mộ phần người thân. Theo lời chú Út thì hơn 30 năm gắn bó ở đây, ông đã giúp cho hàng ngàn trường hợp tìm được mộ phần người thân.
Theo trí nhớ của chú Út, nghĩa trang được lập vào ngày 17.6.1968 khi mộ phần của một người lính vô danh ở Gò Vấp được chuyển về đây. Đến tháng 3.1975, những mộ phần cuối cùng được lập và tồn tại đến bây giờ. “Mộ nào xây trước đó thì còn có bia ghi tên họ rõ ràng, càng gần 1975 thì đa số được dựng vội, chỉ là một nấm đất lạnh lẽo”, chú Út cho biết.
Theo thống kê trước đây của chế độ VNCH thì toàn bộ nghĩa trang có khoảng 16.000 ngôi mộ, nhưng theo lời chú Út thì phải có đến khoảng 25.000 - 26.000 và trong đó số mộ vô chủ chiếm rất nhiều. Tại đây, còn có khu mộ dành cho các tướng lĩnh của VNCH ngày trước, đa phần đều đã được bốc. Theo lời chú Út, thì cách đây chừng 5-6 năm, vợ của Đại tướng VNCH Đỗ Cao Trí cũng đã tìm đến đây để bốc mộ của ông. Tại nơi đây, có một ngôi mộ được chỉnh trang, cải tạo tươm tất, nhưng bia mộ đã không còn ghi cấp hàm trong quân đội VNCH của người chết.
Khoảng lặng nơi nghĩa
 trang Bình An 5
 Một gia đình đang tiến hành bốc mộ người thân về quê
Khoảng lặng nơi nghĩa trang Bình An 6
Nghĩa trang Nhân dân Bình An từ mấy năm qua đã được giao cho
chính quyền địa phương quản lý

Trong ký ức của chú Út, trước đây khu này gần như bị bỏ hoang và rất ít bóng người. Khoảng 5-6 năm nay, nghĩa trang được xây lại, dựng tường bao bọc, trồng cây phủ bóng mát, tình hình an ninh trật tự ổn định và người thân của những người nằm xuống tại đây đã bắt đầu tìm đến. “Có nhiều người tìm đến cũng là mong mỏi lớn nhất của tôi”, chú Út nói.
Trời trưa, hửng nắng. Nghĩa trang như bớt âm u, hoang vắng khi có thêm nhiều toán thợ hồ vào để xây cất, làm mộ mới. Hàng ngàn ngôi mộ vô chủ không biết chừng nào sẽ có thân nhân tìm đến? Chúng tôi lại nhớ đến lời nhắn nhủ của chị Nga.
Kể từ sau ngày 30.4.1975, nghĩa trang quân đội Biên Hòa được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Tháng 11.2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1568/QĐ - TTg chuyển khu nghĩa trang sang sử dụng vào mục đích dân sự. Hiện nay nghĩa trang được đổi tên thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An do Công ty Công trình công cộng thị xã Dĩ An quản lý (trực thuộc UBND thị xã Dĩ An). Quyết định "dân sự hóa" nghĩa trang quân đội Biên Hòa này khi đó được dư luận đánh giá như một bước đi đầy ý nghĩa của công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Ở bài viết sắp tới, chúng tôi sẽ cung cấp câu trả lời rõ ràng: Có hay không việc giải tỏa một phần Nghĩa trang Nhân dân Bình An?


Nghĩa trang Nhân dân Bình An có bị giải tỏa?

(TNO) - Thông tin về việc mở đường ảnh hưởng tới một phần nghĩa trang Bình An, trước đây là nghĩa trang Biên Hòa thuộc Quân đội VNCH, khiến nhiều người lo ngại. Thanh Niên Online đã gặp những người có quyền quyết định để làm rõ vấn đề.
Ông Phạm Tấn Phát - Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Nhân dân Bình An - cho biết nghĩa trang này có từ năm 1968 với diện tích khoảng 25 ha. Hiện nay, còn khoảng 18.000 ngôi mộ hiện hữu.
Do thời gian sau 1975, nhiều ngôi mộ đã được người thân bốc cốt mang về quê nhà an táng, nên theo ông Phát, số ngôi mộ thực chất có cốt vào khoảng 16.000. Trong đó, có khoảng trên 5.000 ngôi mộ có bia, tên nhưng không thấy người đến nhận, thăm viếng. Số ngôi mộ bị mất bia, tên cũng khá nhiều, khoảng 6.000.
Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 2
Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 3
Người dân đến viếng mộ người thân tại Nghĩa trang Nhân dân Bình An - Ảnh: Đỗ Trường
Giải thích về số ngôi mộ hiện hữu, ông Lê Ngọc Thuận, Phó trưởng ban quản lý nghĩa trang, cho biết sau ngày 30.4.1975, nghĩa trang được giao lại cho một đơn vị quân đội quản lý. Đến năm 2007, nghĩa trang được giao lại cho địa phương là UBND thị xã Dĩ An. UBND thị xã Dĩ An giao lại cho Công ty công trình công cộng Dĩ An quản lý, công việc chủ yếu là bảo vệ, cắt tỉa cây xanh, diệt cỏ, vệ sinh…
“Trong quá trình chuyển giao và sau ngày thống nhất, có những ngôi mộ được người dân mang cốt về quê hương chôn cất, khi đào đất lên thì tạo thành những ụ đất bên cạnh ngôi mộ cũ. Thời gian và mưa nắng xói mòn, những ụ đất này có hình thù giống như ngôi mộ. Do đó, khi tiếp nhận rà soát, thống kê để tu bổ, quản lý thì chúng tôi không thể thống kê hết vì không dám chắc dưới những ụ đất đó có cốt hay không”, ông Thuận nói.
 

Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 1
UBND tỉnh Bình Dương không quy hoạch tuyến đường đi qua Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Việc đo vẽ, cắm mốc trước đây là do ở địa phương thực hiện không đúng. Tôi đã chỉ đạo UBND thị xã Dĩ An dẹp bỏ hết những cái đó

Ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Ông Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc xí nghiệp công trình công cộng nghĩa trang thị xã Dĩ An - cho biết hiện nay nghĩa trang đã được quy hoạch lại, phân ra thành 8 khu được đánh dấu theo thứ tự chữ cái A, B, C để thuận tiện cho thân nhân đến tìm kiếm, tôn tạo, chăm sóc mộ. Ở mỗi khu mộ đã được xây dựng một bàn thờ chung và ở tượng đài chính cũng được xây một bàn thờ mới.
Phía bên trong và xung quang tượng đài, phóng viên nhận thấy chính quyền đã cho trồng hoa, cây kiểng theo hình thức công viên.
“Không có quy hoạch con đường đó”
Thời gian qua, nhiều gia đình có mộ người thân nằm trong Nghĩa trang Nhân dân Bình An lo ngại việc chính quyền địa phương quy hoạch tuyến đường đi ngang qua một phần Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Nếu tuyến đường này được thực hiện sẽ phá vỡ một phần khuôn viên nghĩa trang, ảnh hưởng đến hàng trăm ngôi mộ.
Một số thông tin cũng cho rằng quy hoạch tổng thể của UBND thị xã Dĩ An đến năm 2020 có quy hoạch tuyến đường vành đai đi qua nghĩa trang nối thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) hiện nay với tuyến metro Suối Tiên - TP.HCM. Tuyến đường có chiều dài khoảng trên 1 km (theo hình cong) đi qua một phần Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Ở đoạn đầu và cuối, tuyến đường đi vòng vào một phần nghĩa trang ôm vòng sát với tuyến đường hiện có. Ở đoạn cong nhất thì tuyến đường băng ngang qua một phần nghĩa trang.
Từ những lo ngại của người có mộ người thân nằm trong Nghĩa trang Nhân dân Bình An, phóng viên Thanh Niên Online đã phản ánh với chính quyền địa phương. Làm rõ vấn đề này, theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2009, UBND huyện Dĩ An (hiện nay thị xã Dĩ An) thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội chung của Dĩ An (quy hoạch tổng thể theo định kỳ 5 năm một lần, nếu quy hoạch tiếp theo sẽ được điều chỉnh tiếp). Trong quy hoạch tổng thể đó, UBND huyện Dĩ An có đề xuất quy hoạch tuyến đường vành đai đi qua Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Một vị lãnh đạo ở Bình Dương cho biết: “Đến nay, đã hơn 5 năm, có nghĩa là quy hoạch đã đến thời hạn điều chỉnh, quy hoạch lại và trong quy hoạch mới thì không có tuyến đường này. Vấn đề là một số việc đo vẽ, cắm mốc trước đây của quy hoạch cũ mà còn để đến nay là thiếu sót của địa phương”.
Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 4
Nhiều ngôi mộ có bia ghi rõ thông tin về người chết - Ảnh: Đỗ Trường
Chiều 27.4, trả lời phóng viên qua điện thoại, ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: “UBND tỉnh Bình Dương không quy hoạch tuyến đường đi qua Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Việc đo vẽ, cắm mốc trước đây là do ở địa phương (huyện Dĩ An cũ - PV) thực hiện là không đúng. Tôi đã chỉ đạo UBND thị xã Dĩ An dẹp bỏ hết những cái đó. Vấn đề này tôi cũng đã trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Bình Dương không có quy hoạch con đường đó”, ông Lê Thanh Cung khẳng định.
Thực tế, ngày 23.4, phóng viên có mặt tại Nghĩa trang Nhân dân Bình An thì các công nhân đã dọn dẹp hết những cọc mốc được cắm trong quá trình đo vẽ trước đây, trả lại hiện trạng nguyên vẹn cho khuôn viên nghĩa trang.
Thuộc thẩm quyền địa phương
Trao đổi với Thanh Niên Online, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án đại lộ Đông Tây do Bộ phê duyệt quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/2.000. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết 1/500 do địa phương chịu trách nhiệm phê duyệt. Liên quan đến tuyến đường vành đai Đông Tây nối thành phố mới Bình Dương với tuyến Metro Suối Tiên - TP.HCM đi qua khu vực có nghĩa trang nói trên, ông Trường cho biết không nắm được thông tin chi tiết, vì Bộ chỉ chịu trách nhiệm phê duyệt quy hoạch tổng thể. “Khi triển khai thực hiện cụ thể, cắm mốc giải phóng mặt bằng địa phương vẫn có thể được điều chỉnh, miễn là đảm bảo quy hoạch tổng thể chung”, ông Trường nói.
Mai Hà