Dẫu biết chỉ là hành động tượng trưng, nhưng thôi thì quét chút lá quanh đền cho mát lòng những người đã khuất.
Photo by Nguyễn Lân Thắng
Tôi vào Nam thăm gia đình và bạn bè một
ngày cuối năm rực nắng. Sài Gòn vẫn hối hả như bao lần tôi đã đến. Gia
đình tôi bên nội là dân Bắc, bên ngoại là dân Nam, thế nên từ bé đến giờ
tôi chẳng xa lạ gì với mảnh đất này. Mọi lần đến Sài Gòn, tôi thường cố
gắng dành thời gian về nghĩa trang thành phố để thăm mộ ông ngoại tôi.
Lần này đi, tôi chợt nhớ đến đã đọc đâu đó về nghĩa trang quân đội VNCH
cũng nằm tại Biên Hòa. Gia đình tôi không có người thân nào nằm ở nghĩa
trang này, nhưng tôi rất tò mò muốn đến đây để mắt thấy tai nghe mọi
chuyện và để thắp dù chỉ một nén nhang cho những người đã khuất.
Trên
đường đi, mặc dù được bạn bè hướng dẫn tận tình qua điện thoại mọi "thủ
đoạn" để có thể lọt vào nghĩa trang này dù không có người thân bên
trong, nhưng tự dưng tôi nổi lên nỗi băn khoăn rất lớn: Tại sao chiến
tranh đã qua lâu mà vào nghĩa trang này lại phải trình chứng minh thư,
phải chứng minh được mình có người thân nằm trong đó, và tệ nhất là
không được chụp ảnh đàng hoàng? Tôi quyết định sẽ chỉ đi vòng ngoài để
quan sát và nhất là lên Đền Tử Sĩ, một nơi hoang tàn chẳng có ai canh
gác. Dù đã biết những điều tệ hại nơi đây qua internet, nhưng quả thật
chỉ khi chứng kiến tận mắt những gì ở Đền Tử Sĩ tôi mới thấu hiểu phần
nào nỗi đau của biết bao gia đình có người thân nằm lại nơi này. Đền nằm
trên một gò đất cao án ngữ ngay trước nghĩa trang, phía trước là cổng
tam quan vẫn còn mờ mờ dòng chữ gì đó không đọc được nữa. Tôi về tra lại
trên mạng mới biết đó là dòng chữ "Vì nước hi sinh" và "Vì dân chiến
đấu".
Theo
những ảnh chụp trước 1975 còn lại trên mạng thì cảnh quan nơi này thay
đổi thật nhiều. Cả khu gò phủ kín một rừng cây được trồng chắc mới gần
đây thôi. Lần theo những bậc bê tông phủ dày lá khô, tôi bước lên khu
đền mà lòng thầm kinh ngạc vì sao những cấu trúc xây dựng này có thể bền
bỉ tồn tại đến bốn mươi năm dù không có người chăm sóc.
Bên
trong đền, ngoài một cái bàn gỗ dựng tạm làm ban thờ là đống chăn chiếu
bẩn thỉu, chắc của một người vô gia cư nào đó tá túc qua ngày. Ngày xưa
nơi đây từng là chỗ cử hành những nghi lễ trọng thể để tưởng nhớ người
đã khuất, giờ bẩn thỉu hoang tàn không khác xó chợ hoang.
Tôi và người bạn đi cùng không dám dọn dẹp
kê đặt lại gì nhiều, chỉ dâng hoa và thắp tạm nén hương mong những người
còn nằm lại ngậm cười nơi chín suối.
Dẫu biết chỉ là hành động tượng trưng, nhưng thôi thì quét chút lá quanh đền cho mát lòng những người đã khuất.
Rời
khỏi khu đền, chúng tôi đi một vòng vào sâu phía trong nghĩa trang.
Người ta đã xây chặn giữa Đền Tử Sĩ và khu chôn cất một nhà máy nước có
tên là Bình An. Cả khu nghĩa trang được xây kín tường cao 3m, bên trên
có hàng kẽm gai lởm chởm trông không khác gì trại tù. Xe đưa chúng tôi
lướt qua khu kiểm soát, ngoài cổng đề tên là Nghĩa trang nhân dân Bình
An, phía trong thấp thoáng vài ngôi mộ. Nếu tôi cố vượt qua cổng này vào
bên trong thì chắc chắn phải trình chứng minh thư, phải ghi tên vào sổ,
phải chịu sự giám sát của nhân viên an ninh và sẽ không thể nào đàng
hoàng nâng máy lên chụp bất cứ thứ gì. Đó là điều tôi đã được bạn bè
cảnh báo trước và tôi không thể chấp nhận được! Tôi đi thăm nghĩa trang
chứ có phải đi thăm tù đâu mà phải như vậy!
Nguyễn Lân Thắng chụp tại nghĩa trang quân đội VNCH. Photo by Lân Thắng
Vậy
mà bao năm qua, gia đình những người đã khuất vẫn phải nín nhịn, vẫn
phải xin xỏ chính quyền để thực hiện những quyền rất chính đáng của mình
là được ra vào để thăm nom săn sóc phần mộ người thân nằm lại nơi này.
Những người nằm xuống trong nghĩa trang này dù lý tưởng của họ là đối
lập với nhà nước hiện nay, nhưng họ cũng là người Việt Nam, cũng là cha
là ông của biết bao gia đình, mộ phần của họ đáng được hưởng sự chăm sóc
của người thân. Tôi tự hỏi một chính thể với đầy đủ sức mạnh trong tay
mà sao lại sợ họ thế? Sao nỡ cầm tù kể cả khi họ đã chết? Đến ngay cả
những lính Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979, khi chết vô
danh trên đất Việt cũng được quy tập chôn cất trong bao nghĩa trang đàng
hoàng khắp miền núi phía Bắc? Sao người Việt với nhau mà nỡ đối xử tàn
tệ đến mức kinh hoàng như vậy? Còn nhiều câu hỏi nữa cứ luẩn quẩn trong
đầu tôi trên đường về, nhưng chắc chắn một điều là chính sách hòa giải
dân tộc sẽ không thể thành công nếu nhà nước cứ hành xử như thế này.
Chiến
tranh đã lùi qua lâu mà vết thương trong lòng dân tộc hình như vẫn chưa
khép lại. Khi tôi đăng một số bức ảnh chuyến đi thăm nghĩa trang này
lên Facebook cách đây mấy hôm thì lập tức nhận được vô số phản hồi trái
chiều. Người thì rất hoan nghênh, người thì lại phê phán cho rằng tôi là
thằng cộng sản con, là kẻ cơ hội làm chuyện chính trị. Tôi nghĩ các bạn
có ý phản đối tôi không cần phải nặng nề như vậy. Chính thể Việt Nam
Cộng Hòa dẫu gì cũng đã là quá khứ. Chiến tranh đã kết thúc gần bốn mươi
năm và chúng ta vẫn phải chung sống với nhau. Điều quan trọng cần làm
là nhìn nhận quá khứ, giải quyết tồn tại và hướng tới tương lai. Một mặt
cứ sống trong hận thù, phân biệt Nam Bắc thì không thể cùng chấn hưng
đất nước được.
Mặt
khác, phải dũng cảm bỏ qua khác biệt để bắt tay nhau cùng phá bỏ tất cả
những điều phi lý, những điều đi ngược lại giá trị nhân bản của dân tộc
này. Hãy đi từng bước nhỏ, từng việc cụ thể như việc phá bỏ chế độ kiểm
soát nghĩa trang quân đội Biên Hòa giống một trại tù. Hãy lên tiếng,
hãy làm trong khả năng mà bạn có thể chịu đựng được. Không bắt đầu thì
mãi mãi chẳng bao giờ có đổi thay./.
Nguyễn Lân Thắng, Hà Nội 22-12-2013